Bài thu hoạch về văn hóa công sở

Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả việc xây dựng và thực hiện văn hóa công sở của Ủy ban Nhân dân cấp xã trên địa bàn huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn

9 October 2019

Văn hoá công sở là một hệ thống các giá trị chuẩn mực, quy tắc, giá trị được hình thành trong quá trình hoạt động của công sở, xây dựng giá trị về thái độ của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong công sở, ảnh hưởng đến cách làm việc trong công sở và hiệu quả hoạt động của công sở. Xây dựng văn hoá công sở là xây dựng một nề nếp làm việc khoa học, có kỷ cương và dân chủ, đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan phải quan tâm. Để hoạt động của cơ quan có hiệu quả cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng kỷ luật của cơ quan, phải chú ý đến danh dự của cơ quan trong cư xử với mọi người, đoàn kết và hợp tác trên nguyên tắc chung, chống lại bệnh quan liêu, hách dịch, cơ hội.
Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn là một trong những địa bàn trong tỉnh đã và đang nỗ lực xây dựng, thực hiện văn hóa công sở theo quy định của Nhà nước, xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Về ưu điểm do truyền thống văn hóa, tập quán sinh hoạt ứng xử lâu đời của nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Chi Lăng và do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương nhưng việc xây dựng và phát triển văn hóa công sở của Uỷ ban nhân dân cấp xã trên địa bàn huyện Chi Lăng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như: chưa triển khai kịp thời tuyên truyền, giáo dục về văn hóa công sở cho cán bộ, công chức cấp xã và người dân địa phương; chưa ban hành hệ thống văn bản quản lý nhà nước điều chỉnh trực tiếp về văn hóa công sở; đội ngũ cán bộ, công chức Uỷ ban nhân dân cấp xã của huyện Chi Lăng còn nhiều hạn chế; thói quen sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vẫn còn diễn ra. Vì vậy, cần có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động công sở của các Ủy ban nhân dân cấp xã của huyện Chi Lăng.
Để khắc phục những hạn chế đó, các cơ quan và Ủy ban nhân nhân dân cấp xã trên địa bàn huyện cần thực hiện tốt một số nhóm giải pháp sau:
Một là,tập trung công tác tuyên truyền các nội dung văn hóa công sở cho cán bộ, công chức và người dân địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về văn hóa công sở. Bổ sung tài liệu về văn hóa công sở vào tủ sách pháp luật phục vụ cho người dân ở địa phương.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa khu dân cư trên các phương tiện truyền thanh. Việc phát thanh tuyên truyền thường xuyên, liên tục sẽ giúp thông tin đến với người dân hiểu rõ, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, cách ứng xử, tạo môi trường nhận thức đồng đều cho hoạt động xây dựng và thực hiện văn hóa công sở.
Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích, nội dung của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Tổ chức các hội thi tìm hiểu về xây dựng văn hóa công sở trong cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và trong nhân dân các thôn, bản, khu phố.
Hai là,xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa công sở.
Với quan điểm nâng cao văn hóa công sở góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ; kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện văn hóa công vụ. Các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công sở trong các văn bản Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiên cứu, sửa đổi các quy định, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa một cách bài bản những vi phạm về văn hóa công sở.
Ba là,thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về giao tiếp, ứng xử công vụ.
- Bồi dưỡng và nâng cao đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân địa phương. Xây dựng bộ chuẩn mực đạo đức, tác phong của cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đất nước, địa phương.
Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.
- Kỹ năng giao tiếp hành chính của cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Để nâng cao kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện cần tổ chức bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp thường xuyên và có hiệu quả cho cán bộ, công chức cấp xã. Việc bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng giao tiếp là cơ sở quan trọng nhất tạo sự chuyển biến trong hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, đặc biệt đối với những bộ phận liên quan trực tiếp tới tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
- Về trang phục, lễ phục của cán bộ, công chức: Cần cụ thể hóa thêm nội dung trang phục cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong thi hành công vụ. Các tiêu chí về trang phục phải tính tới yếu tố phù hợp với điều kiện và môi trường thực thi công vụ.
Bốn là,xây dựng môi trường văn hóa công sở và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện, xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và thực hiện văn hóa công sở tại Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn. Để có được môi trường thực hiện văn hóa. Về cơ sở vật chất, trước mắt cần tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chi Lăng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đầu tư trụ sở cấp xã bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy của nhà nước. Để tạo dựng cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời tạo dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của công sở với nhân dân.
Cần có sự quan tâm lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên và nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương. Tăng cường sự quan tâm và phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, có kế hoạch chi tiết triển khai theo ngành dọc, phối hợp cùng tổ chức thực hiện.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phong trào hiện có, cần nghiên cứu đưa ra một số loại hình hoạt động cụ thể và mở rộng các phong trào liên quan. Xây dựng hoàn chỉnh một số mô hình thôn, khu phố văn hoá như: Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị tiến hành xây dựng điểm để rút kinh nghiệm và triển khai trên diện rộng./.
ThS. Hoàng Ngọc Hiếu
GV: Khoa Nhà nước và pháp luật

Video liên quan

Post a Comment (0)
Previous Post Next Post