Bàn phím cơ ra đời thật sự đã mang lại nguồn sống mới cho game thủ và người dùng chuyên gõ máy. Chuyển từ bàn phím bình thường sang bàn phím cơ là quá trình đầy hứng thú và cảm nhận khác biệt rõ ràng, nhưng trước khi tới giai đoạn đó, anh em cần phải qua quá trình tu luyện một số kiến thức để tìm mua cho đúng loại bàn phím cơ phù hợp với nhu cầu của mình.
Công tác tu luyện đó sẽ gặp phải một số khó khăn nho nhỏ vì đụng phải quá nhiều thuật ngữ chuyên môn. Với anh em chúng ta đã vậy thì với người không chuyên công nghệ, đó là cả một trời thử thách. Bài này sưu tầm tất tần tật những thuật ngữ chuyên môn related đến bàn phím cơ, để đảm bảo không cần tìm hiểu quá sâu, nhìn vào một miêu tả bàn phím ít nhất chúng ta cũng hiểu được trên 50% thông tin.
Thuật ngữ related đến Switch trên bàn phím cơ
Khác biệt lớn nhất giữa bàn phím cơ và bàn phím thông thường nằm ở một bộ phận phía dưới mỗi phím có tên switch. Có nhiều loại switch và anh em sẽ thường gặp phải những thuật ngữ thường dùng để miêu tả switch như sau:
- Actuation force (tạm dịch Lực thực thi): là lượng áp lực cần thiết để ấn phím và đủ cho một lần ấn phím. Các switch khác nhau cần lượng lực khác nhau cho phép mức tác động cần thiết khác nhau. Actuation force thường đo bằng gam (g). Ví dụ switch 45g cần lực bấm nặng hơn switch 30g.
- Switch Alps: là kiểu switch có từ 1980. Và cũng tương tự như loại công tắc phổ biến nhất hiện nay là Cherry MX, switch Alps cũng có nhiều loại, nhiều tính năng và nhiều hàng nhái. Switch Alps ngày nay không còn được dùng nhiều nhưng vẫn là một thuật ngữ đáng nhớ cho một quá trình phát triển của switch.
- Bottom out: là hành động nhấn phím đến tận cùng chiều sâu của phím. Các phím cơ đa phần hoạt động trước khi chạm đáy, nghĩa là phím nhạy và cần ít lực hơn, trong khi các bàn phím màng/ vòm thì thường cần nhiều lực bấm hơn để phím đi hết chiều cao.
- Buckling spring switch: đây là loại công tắc lò xo đơn giản và lỗi thời được thiết kế đầu tiên bởi IBM, nổi tiếng dùng trong bàn phím Model M. Nhưng nó lại là tiền đề và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều loại công tắc hiện đại ngày nay.
- Cherry clone: là loại công tắc được sản xuất theo thiết kế, công nghệ tương tự switch Cherry MX nhưng bởi một công ty khác, có thể kể đến như Gateron, Kailh, Zealio.
- Cherry MX switch: là loại công tắc tiêu chuẩn hiện đại được dùng cho hầu hết bàn phím cơ hiện nay. Cherry MX được phát triển bởi công ty Cherry của Đức vào những năm 1980. Các switch Cherry có nhiều màu sắc và nhiều thể loại khác nhau, tương thích với nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều công ty đã sao chép thiết kế của switch Cherry MX, dùng stem hình chữ thập để giúp cho bàn phím và keycap có tính tùy biến cao,
- Clicky: âm thanh click click vang lên từ switch khi có lực ấn phím, nó hoàn toàn khác với kiểu switch tacticle (không có âm thanh click khi bấm).
- Electrostatic capacitive switch (tạm dịch: công tắc điện dung): là loại công tắc thay thế bán cơ học, dùng một vòm cao su hoặc nhựa trên một lò xo hình xoắn ốc nằm trực tiếp trên bảng mạch bàn phím. Topre là nhãn hiệu switch điển hình cho loại công tắc này. Switch Topre tạo ra cảm giác bấm đặc biệt khác lạ so với công tắc cơ học truyền thống Cherry.
- LED: là các di-ot phát sáng. Hầu hết các switch hiện đại được cung cấp đèn LED tùy chọn tích hợp, cho phép chiếu sáng đơn giản hoặc nhiều màu RGB phức tạp hơn.
- Linear (tạm dịch: tuyến tính): là một dạng thiết kế switch với chuyển động mượt mà từ trên xuống dưới và trong suốt quá trình truyền động không có âm thanh hay phản hồi xúc giác. Linear switch thường được các game thủ ưa chuộng, đặc biệt trong các trò chơi đòi hỏi tốc độ cao, chuyển động nhanh hay trong môi trường chơi game cần hạn chế tiếng ồn.
- Tacticle (tạm dịch: tiếp xúc): là một dạng thiết kế switch khác, với cấu trúc một cảm giác khấc trong quá trình chuyển động, khác hẳn với độ mượt mà của linear. Công tắc tacticle thường được những người gõ máy chuyên tốc ký hay nhà văn ưa chuộng vì cảm giác hào hứng khi gõ.
- Key switch color: các công tắc tương tự được phân biệt nhau bởi màu sắc. Ví dụ: clicky vs non-clicky, tacticle vs linear. Tiêu biểu cho cách phân biệt loại switch theo màu sắc này cũng chính là Cherry MX:
- Black: linear switch, không tiếng click và lực ấn 60g.
- Blue: tacticle switch, có tiếng click và lực ấn 50g (người dùng đánh máy rất ưa chuộng).
- Brown: tacticle switch, không tiếng click và lực ấn 45g (người dùng blue cũng ưa chuộng brown như một thay thế cho blue nhưng yên tĩnh hơn nhiều).
- Green: tacticle switch, có tiếng click, lực ấn lớn 70g (đặc biệt dùng cho người đánh máy quen gõ mạnh tay).
- Clear: tacticle switch, không có tiếng click, lực ấn mạnh 65g.
- Red: linear switch, không có click, lực ấn 45g (rất phổ biến trong giới chơi game).
- Romer-G: một thiết kế switch của Logitech, có khả năng truyền động nhanh, có thân hình vuông và không tương thích với hầu hết các keycap (coi như độc quyền của riêng hãng).
- Rubber dome: là thiết kế bàn phím phi cơ học tiêu chuẩn, trong đó dùng một tấm cao su để che các công tắc điện, sau đó kích hoạt khi nhấn phím. Hầu hết các bàn phím rẻ tiền và bàn phím có sẵn trên laptop dùng công nghệ này.
- Scissor switch: là thiết kế công tắc low-profile thường được dùng cho máy tính xách tay. Đây là loại công tắc cơ khí hoạt động trên nguyên tắc dùng bản lề nhựa hoặc kim loại để hỗ trợ phím. Cũng là hoạt động cơ học nhưng bàn phím dùng switch dạng này thường không được xem là bàn phím cơ đúng nghĩa vì trong switch không có cấu trúc hay vận hành của lò xo cơ học.
- Spring: là lò xo kim loại bên trong mỗi switch cung cấp lực cản, lò xo này đi xuống khi có phím ấn, gõ xuống miếng đồng tạo tín hiệu. Các lò xo làm từ kim loại cứng hơn và dày hơn sẽ tạo cảm giác gõ mạnh tay hơn.
- Stem: là phần nhựa kết nối switch với keycap. Mỗi loại stem sẽ quyết định loại keycap nào tương ứng với switch đang dùng trên bàn phím, hiện tại loại stem hình chữ thập như Cherry MX là phổ biến nhất.
Các thuật ngữ related đến Phím trên bàn phím cơ (keycap)
- Artisan keycap: là loại keycap tùy chỉnh và chế tạo đặc biệt bằng phương pháp thủ công. Keycap artisan được tạo ra với các phôi tinh xảo và được sơn phết theo chủ đề cụ thể nhất định, có độ thẩm mỹ cao, và thường tạo ra một điểm nhấn về mặt trang trí nhiều hơn. Đây là một trong những sản phẩm đi kèm bàn phím cơ có bề dày phát triển và tiềm năng kinh tế lớn nhất.
- Nhựa ABS (Acrylonitrile Butadiene Styrine): là loại chất liệu thường được dùng cho hầu hết các bộ keycap bởi khả năng lên màu thuốc nhuộm rất chính xác. ABS cũng là loại nhựa chịu lực và biến dạng tốt với trọng lượng nhẹ nên rất thích hợp để làm keycap. Đồng thời đây cũng là loại nhựa thân thiện với môi trường khi dễ tái chế.
- Cherry profile: là một thiết kế keycap có hình dạng và kích thước tương tự OEM profile nhưng ngắn hơn một chút.
- DSA profile: tương tự SA profile, nhưng chỉ bằng một nửa về chiều cao và ngắn hơn OEM profile.
- G20 profile: cấu hình rất thấp, phẳng với các cạnh cong, được thiết kế và sản xuất bởi Pimp My keyboard.
- Key profile: là hình dạng của keycap nằm phía trên stem, đây là phần của keycap mà bạn trực tiếp dùng ngón tay nhấn vào.
- Keycap set: là một hoặc một phần bộ keycap thay thế cho keycap hiện đang có trên bàn phím của bạn, thường được làm với nhiều loại, hình dáng, màu sắc khác nhau theo chủ đề hấp dẫn.
- Legends: phần in ấn hoặc ký tự khác với ký tự chức năng nằm trên keycap
- Novelty keycaps: một hoặc một vài keycap được thiết kế và in ấn theo một chủ đề nhất định, thường related đến văn hóa, thời trang, phim ảnh, hoạt hình. Loại này cũng dùng để thay thế mang tính thẩm mỹ cao và thường dễ tìm hơn artisan keycap.
- OEM profile: là cấu hình keycap tiêu chuẩn cho hầu hết các keycap set và bàn phím cơ. Trong đó mỗi keycap có phần đỉnh bằng phẳng, với một núm hình trụ nhẹ và nghiêng để phù hợp với hình dạng của ngón tay khi gõ xuống. OEM và keycap có profile tương tự có chiều cao và góc hơi khác nhau cho các hàng phím khác nhau.
- Nhựa PBT (Polybutylene Terephthalate): một loại nhựa chịu nhiệt và có độ chống chịu hóa học cao. Thường các keycap làm từ nhựa này được xử lý hơi sần. Tuy nhiên nhựa PBT không thân thiện với môi trường lắm do rất khó tái chế.
- Nhựa POM (Polyoxymetylen): một loại nhựa hiếm hơn với mật độ cao như PBT nhưng cho bề mặt láng mịn hơn cả ABS.
- SA profile: keycaps dạng rất cao, với hình cầu và có độ lõm ở phía mặt trên cùng.
Mời các bạn đọc tiếp phần 2 tại: Tất tần tật các thuật ngữ về bàn phím cơ P2