Các phương thức vận chuyển hiện nay: Ưu điểm và nhược điểm
Trang chủ » Blog vận tải » Các phương thức vận chuyển hiện nay: Ưu điểm và nhược điểm
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các phương thức vận chuyển hiện nay ngày càng đa dạng và phong phú. Doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hoá có thể tuỳ ý sử dụng rất nhiều loại hình dịch vụ khác nhau. Mỗi loại hình vận chuyển đều có những ưu thế và hạn chế riêng mà chúng ta nên biết để có sự lựa chọn đúng đắn.
Các phương thức vận chuyển hiện nayphổ biến nhất ở Việt Nam là đường sắt, đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không.
Mục lục bài viết
- 1 Đường sắt (railway)
- 2 Đường thuỷ (waterway)
- 3 Đường bộ (motorway)
- 4 Đường hàng không (airway)
- 4.1 Các phương thức vận chuyển phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay?
- 4.2 Phương thức vận chuyển nào được sử dụng nhiều nhất?
- 4.3 Phương thức vận chuyển nào nhanh nhất?
Đường sắt (railway)
Đường sắt có chi phí cố định cao (tàu, nhà ga, bến bãi) và chi phí biến đổi thấp. Thường thích hợp với các loại hàng có trọng lượng lớn, khối lượng vận chuyển nhiều, và cự li vận chuyển dài. Ví dụ các nguyên vật liệu như than, gỗ, hoá chất và hàng tiêu dùng giá trị thấp như giấy, gạo, thực phẩm và với khối lượng cả một toa hàng.
Mặt hạn chế của vận tải đường sắt là kém linh hoạt. Tàu hoả chỉ có thể cung cấp dịch vụ từ ga này tới ga kia (terminal-to-terminal), chứ không thể đến một địa điểm bất kì (point-to-point) theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tàu hoả thường đi, đến theo lịch trình cố định, tần suất khai thác các chuyến không cao, tốc độ chậm. Chính vì có những đặc trưng như vậy, nên mặc dù có giá cước tương đối thấp, đường sắt vẫn ít được áp dụng trong logistics như một phương thức vận tải độc lập, mà thường được phối hợp sử dụng với các phương tiện khác.
Tại Việt Nam hiện nay, thị phần vận chuyển hàng bằng đường sắt khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do ít tuyến đường, ít điểm đỗ đón trả hàng và chất lượng dịch vụ bao gồm cả phần vận chuyển cơ bản cũng như dịch vụ bổ trợ tại các bến bãi còn rất kém.
Đường thuỷ (waterway)
Đường thuỷ có chí phí cố định trung bình (tàu thuỷ và thiết bị trên tàu) và chi phí biến đổi thấp (do khả năng vận chuyển khối lượng hàng lớn nên có lợi thế nhờ quy mô), do đó đây là phương tiện có tổng chi phí thấp nhất (1/6 so với vận tải hàng không; 1/3 so với đường sắt;1/2 so với đường bộ). Thích hợp với những thứ hàng cồng kềnh, lâu hỏng, giá trị thấp (vật liệu xây dựng, than đá, cao su) và hàng đổ rời (cà phê, gạo), trên các tuyến đường trung bình và dài.
Tuy nhiên, đường thuỷ có hạn chế là tốc độ chậm, chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết và các tuyến đường vận chuyển có hạn (phụ thuộc vào mạng lưới sông ngòi và bến bãi). Cũng như đường sắt, tính linh hoạt của vận chuyển đường thuỷ không cao, mức độ tiếp cận thấp.
Đối với vận chuyển thương mại quốc tế, đây lại là phương tiện thống trị, đặc biệt là khi có sự ra đời của các loại tàu biển lớn, hiện đại có khả năng chinh phục được thiên nhiên ở mức độ nhất định. Hiện nay có khoảng hơn 50% giá trị tính bằng tiền và 90% khối lượng hàng giao dịch trên toàn cầu là sử dụng đường thuỷ.
Vận chuyển đường thuỷ đặc biệt quan trọng đối khu vực Bắc Âu và Trung Âu, bởi nơi đây được thiên nhiêu ưu đãi với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, kết hợp với hệ thống hải cảng hoàn hảo do con người tạo dựng, tàu bè có thể dễ dàng tiếp cận với các trung tâm dân cư lớn. Điển hình là cảng Rotterdam (Hà Lan), một trong những cảng bận rộn nhất trên thế giới.
Cùng với quá trình toàn cầu hoá, dịch vụ vận tải đường thuỷ sẽ ngày càng phát triển và phổ biến. Tuy nhiên, chi phí vận tải đường biển hiện tại của Việt Nam vẫn nằm trong số 5 nước cao nhất, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của hàng hoá VN.
Đường bộ (motorway)
Dịch vụ vận tải đường bộ có chi phí cố định thấp (ô tô) và chi phí biến đổi trung bình (nhiên liệu, lao động, và bảo dưỡng phương tiện). Ưu điểm nổi bật của đường bộ là có tính cơ động và tính tiện lợi cao, có thể đến được mọi nơi, mọi chỗ, với lịch trình vận chuyển rất linh hoạt.
Bởi vậy đây là phương thức vận chuyển nội địa phổ biến, cung cấp dịch vụ nhanh chóng, đáng tin cậy, an toàn, thích hợp với những lô hàng vừa và nhỏ, tương đối đắt tiền với cự li vận chuyển trung bình và ngắn.
Theo thống kê, lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường bộ tăng đều qua mỗi năm, với rất nhiều loại hình dịch vụ đa dạng bởi số lượng nhà cung cấp đông đảo. Phương thức vận chuyển này thực sự là một bộ phận quan trọng của mạng lưới logistics của nhiều doanh nghiệp vì khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.
>> Ưu điểm nổi bật của Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe tải của Vận Tải Miền Trung
Đường hàng không (airway)
Đường hàng không có chi phí cố định cao (máy bay, và hệ thống điều hành) và chi phí biến đổi cao (nhiên liệu, lao động, sửa chữa bảo hành). Có tốc độ nhanh nhất, an toàn hàng hoá tốt, nhưng vì chi phí rất cao, nên thường chỉ thích hợp với những mặt hàng mau hỏng, gọn nhẹ, có giá trị lớn, nhất là khi có yêu cầu vận chuyển gấp.
Dịch vụ tương đối linh hoạt, có tính cơ động cao, có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu chuyên chở hàng hoá về mặt thời gian giao hàng, khối lượng chuyên chở và số lượt bay trên một tuyến đường. Sự hấp dẫn của dịch vụ vận tải hàng không chính là vận tốc vượt trội của nó so với các phương tiện khác trong suốt hành trình, đặc biệt đối với khoảng cách xa. Trong thương mại quốc tế, đường hàng không vận chuyển khoảng 20% giá trị hàng hoá toàn cầu.
Bên cạnh cước vận tải cao, hàng không còn bị hạn chế bởi thủ tục kiểm tra hàng hoá và chứng từ khá phức tạp, mất nhiều thời gian. Mức độ tiếp cận thấp, chỉ dừng ở các sân bay mà thôi. Hơn nữa, khối lượng vận chuyển bị hạn chế bởi dung tích khoang chứa hàng và sức nặng của máy bay.
Serial:Tìm hiểu về Logistics
- Tổng quan về thị trường Logistics thế giới 2019
- Lịch sử các giai đoạn phát triển ngành Logistics
- Xu hướng phát triển của các dịch vụ Logistics 2018-2019
Các phương thức vận chuyển hiện nay đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định, vì vậy hãy liên hệ với chúng tôi để tư vấn và đưa ra sự lựa chọn tối ưu để vận chuyển hàng hóa.
Vận Tải Miền Trung
Các phương thức vận chuyển phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay?
Có nhiều phương thức vận chuyển nhưng phổ biến nhất vẫn là đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không.
Phương thức vận chuyển nào được sử dụng nhiều nhất?
Phương thức vận chuyển chiếm tỷ trọng khối lượng vận chuyển cao nhất là đường thủy.
Phương thức vận chuyển nào nhanh nhất?
Phương thức vận chuyển nhanh nhất hiện nay là đường hàng không. Tuy nhiên phương thức này giá cước rất cao, nhưng khối lượng vận chuyển khá hạn chế.