Tâm lý thời trang: Vì sao chúng ta lại quan tâm quá nhiều đến những gì ta mặc?
by L'Officiel Vietnam
Những ngày gần đây, tôi đọc được một đoạn Franz Kafka viết về quần áo. Và đây là phần diễn dịch của đoạn ấy:
Thường thì khi tôi nhìn thấy quần áo với nhiều lớp xếp nếp, bèo dún, và chi tiết vừa vặn nhẵn nhụi trên những thân thể đáng yêu, tôi nghĩ rằng chúng sẽ không giữ được sự nhẵn nhụi ấy lâu, nhưng những nếp gấp ấy sẽ không thể được là phẳng, lớp bụi nằm quá dầy trên những chi tiết thêu khiến nó không thể dễ dàng được chải đi, và rằng sẽ không ai muốn mình thật bất hạnh và ngu ngốc đến nỗi mặc một chiếc đầm dạ hội giá trị ngày qua ngày từ sáng sớm đến tối mịt. Và vâng tôi thấy những cô gái đủ đáng yêu phô bày những lớp cơ và xương nhỏ hấp dẫn và làn da mượt mà và mớ tóc mỏng manh, và dù sao thì đều xuất hiện mỗi khi ngày chớm, ngày tàn, trong cùng một chiếc váy hào nhoáng tự nhiên, luôn luôn chống cùng một gương mặt lên cùng những lòng bàn tay và để nó được phản chiếu trên mặt kính. Chỉ đôi khi về đêm, khi trở về nhà muộn từ bữa tiệc, dường như hình ảnh phản chiếu trên mặt kính mới trở nên hao mòn, xếp nếp, bụi bặm, những thứ đã bị quá nhiều người trông thấy, giờ đây khó có thể được mặc thêm lâu nữa.
See also:
5 quán cà phê Sài Gòn cho Ngày bình thường, không muộn phiền
Hàng ngàn năm qua, quần áo đã được con người mặc để xác định giới tính, để tăng sức hấp dẫn, để thể hiện địa vị, và tuổi tác, nghề nghiệp, tôn giáo, cộng đồng văn hóa hay đảng phái chính trị, trong các dịp lễ nghi và thể hiện cái tôi. Khi chúng ta nghĩ về việc mua sắm quần áo, điều chúng ta quan tâm là những gì đang diễn ra trong bối cảnh của xã hội mà chúng ta đang sống, được chi phối bởi trình bộ nhận thức, sở thích và thẩm mỹ cá nhân. Trong quần áo mà chúng ta đang mặc hàm chứa rất nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế học, nhân chủng học, xã hội học, giới tính, chủ nghĩa tư bản, bất bình đẳng, chủ nghĩa tiêu dùng, ngoại hình, hình ảnh cơ thể, nhận thức về bản thân, văn hóa, tôn giáo và chuẩn mực sắc đẹp những thứ về cơ bản gắn liền với con người được thể hiện ở những nơi quần áo chạm vào da chúng ta (và thậm chí là cả nơi mà nó không được chạm vào).
Bởi vì mặc quần áo là một hoạt động hàng ngày và cho đến hết đời, nên cả trong vô thức, nó vẫn có sức hút to lớn từ nhận thức sang thực tế, từ vĩ mô đến vi mô. Ở cấp độ cá nhân, mối liên hệ của chúng ta với quần áo bên ngoài chứa đầy các mâu thuẫn. Trong cuộc sống của chúng ta, quan niệm trái ngược này về thời trang đã đẩy chúng ta từ việc yêu thời trang và tôn trọng sức mạnh của nó đến căm ghét, tẩy chay và kịch liệt lên án. Bởi vì đó là chủ nghĩa duy vật, lãng phí, phù phiếm trước những gì đang diễn ra trên thế giới, đó là quan tâm đến vẻ bề ngoài, nhận thức hay thực tế, và nhiều yếu tố khác. Mặc dù đây có thể chỉ là cảm nhận cá nhân, nhưng có lẽ hầu hết những ai có sự quan tâm nhất định đến thời trang đều đã ít nhất một lần từng trải qua những mâu thuẫn như vậy.
Thời trang - Từ che đậy thân thể đến thể hiện bản thân
Theo lệ thường, cứ sau một quãng thời gian, tôi lại lùi một bước và tự hỏi bản thân: tại sao thời trang lại quan trọng đối với tôi như vậy? Thông thường câu hỏi này đến khi tôi nhận thấy phong cách cá nhân thay đổi theo từng sự phát triển của tôi với tư cách là một con người. Khi đấu tranh trong mối quan hệ với thời trang theo cách của riêng mình, tôi biết mình sẽ tiếp tục yêu thời trang mặc dù còn nghi ngờ về nó. Thời trang luôn khiến tôi tự hỏi, tôi muốn thể hiện mình là ai khi mặc theo cách này? Câu hỏi này đến từ một nhận thức bản thân đã rút ra: Tôi sử dụng thời trang để khám phá con người thật, nói cách khác, là cánh cổng dẫn đến bản thân mình.
Ẩn dưới tất cả sự hấp dẫn của chủ nghĩa tiêu dùng, trong xu hướng, trong vẻ hào nhoáng mà các thương hiệu mang đến, tất cả chúng ta cơ bản đến với thời trang để tìm thấy chính mình. Những lực hút kéo chúng ta đến với thời trang thường ở bên ngoài, như chủ nghĩa tiêu dùng, mong muốn tương xứng hay nổi bật, nhưng thực sự, những yếu tố bên ngoài đó chỉ phù hợp với mức độ chúng cộng hưởng với nhu cầu bên trong. Khám phá bản thân, phát triển cá nhân, biến đổi, biến chất - đây là những nhu cầu của con người. Và đây là những điều mà thời trang giúp chúng ta đạt được.
Trước đây, tôi từng mắc sai lầm khi để những cảm giác mâu thuẫn của mình với thời trang làm lu mờ đi sự tuyệt vời của nó. Theo thời gian, những sai lầm đó ngày càng được giảm đi. Tôi ở đây để trở thành con người mà tôi muốn trở thành. Nếu quần áo của tôi có thể hỗ trợ tôi trong suốt quá trình đó, đó chẳng phải là minh chứng cho vai trò không thể thiếu của thời trang trong trải nghiệm con người chúng ta sao?
Tuy nhiên, trên thực tế, trong giới hạn hết sức có thể, chúng ta vẫn đấu tranh, dưới hình thức này hay hình thức khác, với mong muốn được giống những người khác. Điều đó có thể là khao khát sở hữu đôi giày ai đó vừa mang trên trang bìa tạp chí, hay bị cuốn đi bởi những xu hướng mới, hoặc thậm chí mong muốn trông giống một ai đó chúng ta hằng ngưỡng mộ.
Vậy, thời trang có thể tạo nên lớp vỏ như thế nào?
Cuối năm 2017, The New York Times từng đăng một phim tài liệu ngắn kể về một phụ nữ trẻ mang tên Esraa đi tìm lại danh tính của mình ở Ai Cập thời hậu mùa Xuân Ả Rập. Khi cô gái cởi bỏ mạng che mặt, trang điểm ít hơn, thoa son môi, cắt đi mái tóc dài, rõ ràng sự thay đổi về hình thức bên ngoài đã đi liền với những thay đổi nội tâm. Tác phẩm buộc người xem đối mặt với nhiều chủ đề phức tạp: nữ quyền, tôn giáo, chế độ phụ hệ, tình dục, bất đồng chính kiến, tự do cá nhân, tất cả đều nằm trong cuộc đấu tranh của cô gái trẻ này. Điều đó khiến tôi nghĩ đến một câu hỏi thường xuất hiện trong hành trình tìm hiểu về thời trang: ngoại hình của chúng ta quan trọng như thế nào - với bản thân, với người khác, với sự tiến bộ của con người, với danh tính cá nhân?
Câu chuyện của Esraa khiến tôi thấy rõ rằng ngoại hình, mặc dù chỉ là hình thức, lại có nguồn gốc sâu xa bên trong con người của chúng ta. Vì vậy, đối với chúng ta và đối với phụ nữ ở khắp mọi nơi, đây chính là một lời khuyên rằng hãy đối xử với ngoại hình của chúng ta bằng lòng trắc ẩn, sự tôn trọng, tính tò mò và mức độ đồng cảm mà nó xứng đáng có được. Trang phục của chúng ta, vì vậy, xứng đáng nhận được sự quan tâm nhiều hơn chỉ là một lớp vỏ bề ngoài. Khi bạn cảm thấy thoải mái với những gì mình mặc, bạn không có suy nghĩ mới. Tôi muốn mọi người cảm nhận được điều gì đó và nghĩ về con người của họ. Bạn không thể trở nên tự do thực sự nếu không còn nghĩ đến quần áo. Bạn thỉnh thoảng cần mặc một cái gì đó táo bạo, và điều đó có thể tạo nên cảm giác khác lạ. Nó khiến bạn nhận thức được sự tồn tại của mình và có thể khẳng định lại mối quan hệ của bạn với xã hội. - Rei Kawakubo, người sáng lập Comme des Garçons, cho biết.
Như vậy, nếu quần áo là một trong những cách mà chúng ta có thể thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống, thì việc nó có thể che đậy hay bộc lộ điều gì hay mối quan hệ phức tạp của nó với chủ nghĩa tiêu dùng không nên ngăn chúng ta quan tâm đến thời trang. Lớp vỏ thời trang có thể phai mờ theo năm tháng, nhưng điều quan trọng là chúng ta vẫn có thể đầu tư vào những thứ không bao giờ phai nhạt: chúng ta là ai, chúng ta tin gì, chúng ta nghĩ gì và chúng ta làm gì. Nếu chúng ta có thể đạt được sự cân bằng giữa phong cách và tinh thần - đảm bảo chăm chút cho những gì bên dưới lớp quần áo ngang với việc đầu tư vào vẻ ngoài chúng ta sẽ có được một vẻ đẹp khác, không giống với sự phù phiếm, có giá trị vượt thời gian.
Chủ nghĩa tiêu dùng và những hệ lụy của nó
Nhà phê bình nghệ thuật Hrag Vartanian từng nói: sự bất an là chìa khóa cho ngành công nghiệp xa xỉ phát triển, khi thúc đẩy bầu không khí độc quyền xung quanh các sản phẩm chỉ được sản xuất dành cho một số người nhất định và nằm ngoài tầm với đối với những người khác. Và câu nói này đúng khi chúng ta đặt nó trong cả bối cảnh nghệ thuật nói chung và thời trang nói riêng.
Chủ nghĩa tiêu dùng đóng vai trò không nhỏ, nhưng không thể bỏ qua giả định rằng trước sự thương mại hóa thời trang và sự xuất hiện của các thương hiệu lớn, con người đã có mong muốn bắt chước lẫn nhau. Chúng ta vẫn quan sát để xem chúng ta nên mặc gì, và trong khả năng nào đó, chúng ta vẫn muốn mặc những phiên bản tương tự. Nếu không, làm thế nào chúng ta có thể giải thích về phong cách thời trang trong từng giai đoạn lịch sử và sức ảnh hưởng của một hiện tượng thời trang cụ thể tại một thời điểm cụ thể?
Cũng giống như thời trang là phương tiện để thể hiện bản thân (vốn liên quan mật thiết đến hình ảnh mà ngành công nghiệp tạo ra), sự phát triển của hệ thống thời trang chủ yếu dựa vào chủ nghĩa tiêu dùng và chế độ nô lệ như lời học giả thời trang Afro-Diasporic Jonathan Square. Khi mâu thuẫn bùng nổ ở Mỹ vào thời điểm Covid và cái chết của George Floyd, nhiều cửa hàng thời trang tại SoHo bị phá hoại nặng nề, và hiện tượng đó không phải khó lý giải. Theo ý kiến của nhiều người trên Instagram mà Minh-Ha Pham là một đại diện: Họ (các thương hiệu thời trang) đáng bị chỉ trích. Thời trang toàn cầu đã cho phép các công ty cướp bóc con người hàng loạt một cách có hệ thống [] dưới chiêu bài bãi bỏ quy định về thương mại và lao động, luật sở hữu trí tuệ và logic quốc tế cũng như các hợp đồng chuỗi cung ứng đã kéo dài trong thời gian quá lâu.
Có thể thấy, mối quan hệ hiện đại của chúng ta với thời trang đang có nhiều mâu thuẫn, phần lớn xuất phát từ bản chất tiêu dùng: chúng ta cảm thấy trống rỗng và chuyển sang mua sắm để cảm thấy thoả mãn. Để phá vỡ vòng lặp này và tách biệt phong cách cá nhân khỏi nhu cầu mua sắm, để cuối cùng biết được mình là ai, chúng ta cần xem xét các thành kiến và giả định của bản thân về thời trang, cái đẹp, chủ nghĩa thương mại, cơ thể của chúng ta và mối quan hệ giữa chúng. Chúng ta cần đọc, suy nghĩ, học hỏi và đặt câu hỏi. Nhưng trên hết, chúng ta cần cảm nhận, về những gì đã tồn tại bên trong chúng ta và những gì chúng ta đang tìm kiếm.
Bài: HẢI YẾN