Trung Quốc: Thành tựu sau 40 năm cải cách mở cửa
- Trung Quốc tiếp tục công cuộc cải cách mở cửa
- Trung Quốc kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa
Những kỷ lục lịch sử
Nhiều tờ báo của Trung Quốc đã tổng kết, khi mới thực hiện cải cách mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Theo chỉ số thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 1978 chỉ có 156 USD. Thời điểm đó, các nước ở vùng hạ Sahara, châu Phi, nơi được cho là khu vực nghèo nhất trên thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người vào năm 1978 là 490 USD.
Tại thời điểm năm 1978, khi chưa cải cách mở cửa, Trung Quốc có tới 81% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, 84% dân số sống dưới mức chuẩn nghèo quốc tế với 1,25 USD/ngày. Khi đó, Trung Quốc cũng là nền kinh tế hướng nội, xuất khẩu chỉ chiếm 4,1% GDP, nhập khẩu chiếm 5,6%, cộng cả xuất khẩu và nhập khẩu chỉ có 9,7%. Hơn nữa, trên 75% hàng xuất khẩu là nông sản hoặc hàng gia công nông nghiệp.
Vậy mà, trên nền tảng yếu ớt ấy, theo thống kê, từ năm 1978-2017, kinh tế Trung Quốc đã giành được tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 9,5% trong 39 năm liên tiếp, chưa từng có quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào khác trong lịch sử nhân loại có tốc độ tăng trưởng cao và kéo dài như vậy, hơn nữa tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngoại thương Trung Quốc đạt 14,5%, đây cũng là điều chưa từng có quốc gia nào trong lịch sử nhân loại có thể chuyển đổi từ nền kinh tế khép kín thành nền kinh tế mở cửa nhanh như vậy.
Với tốc độ tăng trưởng này, năm 2009 quy mô kinh tế của Trung Quốc vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vượt Đức trở thành nước xuất khẩu lớn nhất tế giới, hơn nữa do trên 97% sản phẩm xuất khẩu là sản phẩm của ngành sản xuất, nên Trung Quốc được gọi là công xưởng của thế giới.
Sau 40 năm cải cách mở cửa, cuộc sống của người dân Trung Quốc đổi thay theo hướng tích cực. Ảnh: Time.Anh là nước được gọi là công xưởng của thế giới sớm nhất sau cách mạng công nghiệp (cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19). Cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20 Mỹ trở thành công xưởng của thế giới. Sau Thế chiến hai, Đức, Nhật Bản trở thành công xưởng của thế giới. Và hiện nay là Trung Quốc.
Đánh dấu 40 năm tiến hành cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã trở thành gã khổng lồ kinh tế với dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới (3.120 tỷ USD), GDP lớn thứ hai thế giới (11.000 tỷ USD) và có mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao thứ ba thế giới (170 tỷ USD). Tỷ lệ nền kinh tế nước này trong nền kinh tế thế giới đã tăng từ chỉ 1,8% vào năm 1978 lên mức 18,2% đáng kinh ngạc trong năm 2017.
Các cải cách đã khởi động một cuộc quá độ xã hội - kinh tế không thể sánh được trong lịch sử nhân loại. GDP của Trung Quốc đã tăng 3.230% từ năm 1978 đến năm 2016, giúp 700 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói và tạo ra 385 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu mới.
Năm 2017, giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt 82.700 tỷ nhân dân tệ (hơn 12.100 tỷ USD), chiếm khoảng 15% tổng lượng kinh tế thế giới; tỷ lệ đóng góp của Bắc Kinh vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên tới hơn 30%. Dự báo, năm 2018, GDP của Trung Quốc đạt mức 13.200 tỷ USD, vượt qua quy mô của nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.690 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của gần 130 quốc gia và khu vực, đồng thời là thị trường nhập khẩu tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trung Quốc còn là nước có dự trữ ngoại hối, đầu tư ra nước ngoài và hệ thống công nghiệp hoàn thiện nhất thế giới.
Hàng hóa ngoại thương của Trung Quốc tăng 17.500%, biến Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về ngoại thương kể từ năm 2015. Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nước thương mại lớn nhất thế giới. Năm 2014, theo tính toán sức mua tương đương (PPP), quy mô kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 8.640 USD, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Trong quá trình này, hơn 700 triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế, tỷ lệ đóng góp đối với sự nghiệp xóa đói giảm nghèo trên thế giới trong 40 năm qua là hơn 70%. Trong khoảng thời gian này, tuy thuyết về sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc liên tục nổi lên nhưng từ cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới không xuất hiện khủng hoảng kinh tế.
1 trong 13 nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất thế giới
Câu hỏi đặt ra là vì sao cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc có thể giành được những kỳ tích mang tính lịch sử? Sau Thế chiến hai, có 13 nền kinh tế tận dụng ưu thế của các nước phát triển để thực hiện tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm hoặc cao hơn, liên tục trong 25 năm thậm chí lâu hơn, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
Sau cải cách mở cửa, Trung Quốc là 1 trong 13 nền kinh tế có biểu hiện tốt nhất, cũng là nền kinh tế có tốc độ đuổi kịp và vượt qua nhanh nhất. Lâm Nghị Phu, chuyên gia kinh tế, từng là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Trung Quốc có thể thực hiện tăng trưởng với tốc độ cao sau cải cách mở cửa là do Trung Quốc đã tận dụng ưu thế của cải cách thị trường; việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoặc nhà nước chủ đạo sang nền kinh tế thị trường đã giúp Trung Quốc phát triển ổn định và nhanh chóng.
Vào năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình lãnh đạo đất nước bước vào một thời đại tăng trưởng chưa từng có. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm trong thực tế. Sự biến đổi trong nước cũng mang lại một sự biến đổi mang tính quốc tế. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới vào năm 2012.
Sau năm 1990, không một quốc gia nào khác phát triển nhiều hoặc nhanh như Trung Quốc. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, đó là sự khởi đầu của một kỷ nguyên toàn cầu hóa mới. Trong năm 2005, khối kinh tế gồm các nền kinh tế mới nổi đã được tạo ra - BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Kể từ khi khối này mới thành lập, Trung Quốc đã có một vai trò then chốt trong khối.
Vào năm 2030, nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, và Mỹ tiếp tục tăng trưởng theo cách hiện tại, thì Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ. Năm 2017, thương mại toàn cầu của Trung Quốc đạt hơn 630 tỷ USD. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói vào năm 2014 khi chủ trì một cuộc họp tại Quốc vụ viện: Ngoại thương là một phần quan trọng cũng như là động lực của nền kinh tế quốc gia.
Cuối cùng, Trung Quốc đã khẳng định sự thành công của các cải cách liên tục trong ngoại thương và đã duy trì khả năng duy trì một tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lành mạnh.
GDP tính theo ngang giá sức mua của Trung Quốc cao hơn so với của Mỹ vì nhiều lý do khác nhau. Giao thông công cộng của Trung Quốc xuất sắc và hiệu quả. Thực phẩm, quần áo và nhà ở của Trung Quốc rẻ hơn so với của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cung cấp giáo dục miễn phí trong 9 năm. Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng giáo dục. Nước này tin rằng giáo dục là cơ sở để phát triển và hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng thúc đẩy GDP, đặc biệt là ở các thành phố top đầu. Trung Quốc đã tạo ra hệ thống cấp bậc để phân loại các thành phố của mình, dựa trên GDP, chính trị và dân số. Trung Quốc có hơn 600 thành phố các cấp, được chia thành 4 cấp.
Từ một nước nghèo thành cường quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu
Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ là câu chuyện về sự phát triển trong kỷ nguyên hậu Thế chiến hai, mà còn về thành công của công cuộc quá độ từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường.
Các chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát triển trong nhiều năm. Các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội hiện diện khắp mọi nơi ở Trung Quốc và được đưa vào sách giáo khoa Trung Quốc. Trong số nhiều nước đi theo con đường tương tự, Trung Quốc đã trở thành biểu tượng cho công cuộc quá độ thành công.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã chấm dứt thời kỳ giấu mình chờ thời để vươn ra thế giới. Từ tháng 3-2013, thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức, trọng tâm và phương pháp chính sách ngoại giao Trung Quốc đã có hàng loạt dấu mốc điều chỉnh lớn, tương ứng với sự thay đổi phát triển của môi trường quốc tế. Số lượng các hoạt động ngoại giao chủ động của Trung Quốc thực hiện ở cấp độ song phương và đa phương tăng nhanh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi thăm khoảng 60 quốc gia trên thế giới, tiếp đón hơn 110 nguyên thủ nước ngoài đến Trung Quốc. Những hoạt động ngoại giao quan trọng này không những giúp tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng quốc tế về Trung Quốc và nâng cao vị thế của Bắc Kinh mà còn hoạch định phương hướng giải quyết nhiều vấn đề có tính toàn cầu.
Nhiều thành phố hiện đại đã mọc lên tại Trung Quốc. Ảnh: Testmylife.com.Bên cạnh đó, tăng cường ngoại giao nhân dân, giáo dục, trao đổi văn hóa, quảng bá các giá trị Trung Hoa ra thế giới cũng là một kênh quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tận dụng tối đa để gia tăng sức mạnh mềm. Trung Quốc hiện là nước đứng đầu châu Á, đứng thứ 3 thế giới về thu hút sinh viên nước ngoài sau Mỹ và Anh.
Nhiều sinh viên nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc. Năm 2016, có 442.431 sinh viên nước ngoài từ hơn 200 nước học tập và nghiên cứu ở Trung Quốc, tăng 35% so với năm 2012. Với việc các trường đại học Trung Quốc ngày càng tăng thứ bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, tốc độ quốc tế hóa nhanh chóng, chính sách khuyến khích các sinh viên nước ngoài học tập ở Trung Quốc, cùng với chi phí học tập và sinh sống ở đây dễ chịu hơn so với các nước phương Tây, Trung Quốc sẽ sớm trở thành điểm đến hàng đầu cho các sinh viên quốc tế.
Sự thành công của nền kinh tế, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, những tiến bộ nghiên cứu và khoa học, thành công trong các lĩnh vực thể thao và văn hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục giúp tăng cường quyền lực mềm của Bắc Kinh trong tương lai. Có thể thấy Trung Quốc đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài, không chỉ ở châu Á, mà đã vươn mạnh sang cả châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ.
Thông qua chính sách đối ngoại thực dụng, Trung Quốc đang từng bước thực hiện tham vọng tới năm 2050 sẽ trở thành cường quốc có vai trò toàn cầu và tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới.
Từ một nước trước kia không hề đóng vai trò gì trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cách đây 20 năm, Trung Quốc ngày nay chính là nước có đóng góp quân số lớn nhất. Trung Quốc cũng là nước đóng góp hơn 10% ngân sách Liên Hiệp Quốc, cao hơn nhiều quốc gia và chỉ xếp sau Mỹ - nước chi trả tới 28,5% ngân sách.
Quyền lực mềm và chính trị phụ thuộc một phần vào việc một siêu cường có đội ngũ các nhà ngoại giao đủ sức truyền thông điệp trên khắp thế giới và thuyết phục các quốc gia khác phục vụ lợi ích của mình.
Trong lĩnh vực văn hóa, Trung Quốc đã thiết lập các trung tâm Khổng Tử trên khắp thế giới để truyền bá tư tưởng của mình. Trung Quốc cũng khuyến khích du khách và sinh viên tới các quốc gia khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối phó với các thách thức. Trịnh Vĩnh Niên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á - Đại học Quốc gia Singapore , mới đây có bài viết nhận định rằng, kể từ khi bước vào kỷ nguyên mới, những rủi ro bên trong và bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt vẫn là hai cái bẫy quen thuộc đó là bẫy thu nhập trung bình ở bên trong và bẫy Thucydides ở bên ngoài.
Để tránh được bẫy thu nhập trung bình, Trung Quốc đang xây dựng chiến lược phát triển bền vững chứ không phát triển bằng mọi giá.